Sàn DEX là gì? Top 5 sàn DEX có volume lớn nhất hiện nay
Sàn DEX là gì?
DEX (viết tắt của Decentralized Exchange) hay còn gọi là sàn phi tập trung, là nền tảng giao dịch các loại tiền điện tử được vận hành dưới hình thức phi tập trung và dựa trên công nghệ blockchain.
Khác với các sàn CEX (Centralized Exchange), DEX hoạt động độc lập thông qua mạng lưới ngang hàng, cho phép các giao dịch diễn ra mà không phụ thuộc vào bất kỳ bên thứ ba trung gian nào. Điều này cũng có nghĩa là người dùng được nắm toàn quyền kiểm soát lượng tài sản kỹ thuật số của mình gửi lên sàn, đồng thời tránh được những rủi ro không may có thể xảy ra.
Nguyên lý hoạt động của sàn DEX
Với hình thức phi tập trung, sàn DEX được vận hành dựa vào một số hợp đồng thông minh cùng những thuật toán đặc biệt nhằm mục đích thiết lập mốc giá cho các loại tiền điện tử khác nhau trên nền tảng. Hơn nữa điều này cũng góp phần giúp sàn DEX xử lý quá trình giao dịch trên mạng lưới blockchain trong thời gian ngắn, đồng thời tạo ra các nhóm thanh khoản để nhà đầu tư có thể staking tài sản kỹ thuật số và đổi lấy phần thưởng.
Là một sản phẩm trong không gian DeFi rộng lớn, DEX chủ yếu được xây dựng trên các mã nguồn mở, cho phép người dùng toàn quyền quản lý tiền điện tử của họ mà không phụ thuộc vào sàn. Tức là khi người tham gia sử dụng sàn, trước hết họ phải tạo một ví riêng và lưu kỹ private key, sau đó mới chuyển tài sản lên các DEX. Điều này cho thấy sàn không hề nắm giữ các khóa bảo mật, quyền sở hữu tài sản hoàn toàn thuộc về người dùng.
Trong khi đó đối với sàn CEX, để thực hiện các giao dịch người dùng phải thực hiện các bước KYC (xác minh danh tính) và nhiều thủ tục phức tạp khác mới có thể chuyển tiền của mình lên sàn. Lúc này sàn sẽ lưu các thông tin cá nhân cũng như một số yếu tố bảo mật cho tài khoản của bạn. Hơn nữa mặc dù người dùng vẫn có thể giao dịch tiền điện tử bình thường, song tài sản này thuộc quyền quản lý của sàn. Chính điều đó cũng dẫn đến những rủi ro cho người dùng khi sàn gặp sự cố.
Ưu và nhược điểm của DEX
Ưu điểm
- Tính ẩn danh: Các sàn DEX không yêu cầu người dùng KYC và cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của họ. Điều này sẽ giúp họ tránh khỏi nguy cơ rò rỉ danh tính của mình.
- Tính bảo mật: Vì hoạt động trên mạng lưới blockchain phi tập trung và cho phép người dùng nắm giữ private key nên các sàn DEX đảm bảo tính bảo mật cao. Tính năng này khác với các sàn CEX khi liên tục bị hacker tấn công và phải gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng.
- Quyền kiểm soát: Với sàn giao dịch phi tập trung, người dùng trực tiếp nắm giữ, quản lý tài sản của mình mà không cần thông qua bên trung gian thứ 3 nào. Do đó, họ có thể toàn quyền quyết định số tiền điện tử của mình và tiến hành giao dịch ngang hàng.
- Giao dịch token không phổ biến: Điều đặc biệt đối với sàn DEX là cho phép người dùng có thể giao dịch cả những token không được niêm yết trên sàn CEX, chỉ cần đảm bảo lượng cung và cầu là được.
Nhược điểm
- Tính thanh khoản: Tính năng này phụ thuộc vào số lượng người dùng và khối lượng giao dịch. Vì vậy một số sàn DEX nhỏ mới ra mắt chưa được bao lâu sẽ có tính thanh khoản kém hơn so với các sàn CEX, bởi chúng sở hữu lượng người dùng ít và không có đủ cung và cầu đối với một số loại tiền điện tử mà bạn muốn giao dịch.
- Giao dịch tiền fiat: Cho đến hiện tại, các sàn DEX chỉ cho phép thực hiện các giao dịch bằng tiền điện tử, không có tính năng trao đổi tiền fiat và không liên kết với thẻ ngân hàng trong khi CEX lại sử dụng cả hai hình thức tiền tệ này.
- Độ trễ giao dịch: xét về tốc độ giao dịch, có thể nói đây là điểm yếu của các sàn phi tập trung. Điều này là bởi các giao dịch đều diễn ra on-chain trên các blockchain khác nhau, cần đợi sự xác nhận từ nhiều node trong mạng lưới để thông qua. Quá trình này sẽ khá mất thời gian so với việc giao dịch trực tiếp trên sàn CEX.
- Chi phí giao dịch: Phí giao dịch trên các sàn DEX có thể cao hơn bình thường khi mạng lưới bị tắc nghẽn hay là lúc mà bạn đang sử dụng sổ lệnh trên chuỗi.
Sự khác biệt giữa DEX và CEX
Mặc dù cả hai hình thức sàn giao dịch này đều được thiết lập để phục vụ cho quá trình trao đổi các tài sản tiền điện tử của người dùng ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng mỗi một loại sàn đều sở hữu những đặc điểm khác biệt. Dưới đây là bảng so sánh về sự khác nhau giữa DEX và CEX dựa trên một số tiêu chí:
Top 5 sàn DEX có volume lớn nhất hiện nay
Với sự bùng nổ của công nghệ blockchain cũng như không gian DeFi rộng lớn, vì vậy ngày càng có nhiều sàn giao dịch phi tập trung được ra mắt với nhiều cải tiến hơn trước đó. Trong bài viết này, mình sẽ đề cập đến Top 5 sàn DEX có khối lượng giao dịch nhiều nhất trong bảng xếp hạng của CoinGecko tính đến thời điểm viết bài nhé!
Uniswap
Uniswap là một giao thức tạo lập thị trường tự động (AMM - Automated Market Maker) và là một trong những DEX phổ biến nhất hiện nay, được vận hành trên blockchain Ethereum.
Uniswap được xem là giải pháp cho các giao dịch token ERC20 khi cho phép quá trình này diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả mà không cần thông qua bất kỳ bên trung gian thứ 3 nào.
Kể từ năm 2018 cho đến nay, nền tảng này đã cho ra mắt 3 phiên bản chính thức gồm V1, V2 và V3. Trong đó 2 phiên bản sau cùng đều lọt top các sàn Dex có volume lớn trên Coingecko. Tuy nhiên giữa 2 phiên bản này có sự khác biệt và những cải tiến vượt trội hơn hẳn so với V1.
- Uniswap V2: Cho phép swap các token ERC20 nhanh chóng đồng thời áp dụng việc LP tạo thị trường và duy trì thanh khoản không giới hạn.
- Uniswap V3: Với tính năng thanh khoản tập trung đã đem lại cả lợi ích cho người cung cấp thanh khoản và cả người dùng khi cung cấp thanh khoản trong một khoảng giá nhất định. Ngoài ra, phiên bản mới nhất này còn giúp giảm đáng kể phí giao dịch trên Ethereum bằng cách áp dụng giải pháp Optimism.
Tìm hiểu thêm:
PancakeSwap V2
PancakeSwap là một sàn giao dịch phi tập trung (DEX) hoạt động trên Binance Smart Chain (BSC), đồng thời là một AMM có khối lượng giao dịch chỉ thua Uniswap V3 tính đến thời điểm hiện tại. Nền tảng này cho phép người dùng dễ dàng trao đổi các token BEP20 từ mạng lưới BSC Binance và thu về khoản lợi nhuận nhất định từ việc tạo thanh khoản, staking hay farm,…
PancakeSwap V2 có nhiều sự thay đổi so với phiên bản ban đầu. Đó là việc chuyển đổi và tập hợp các hợp đồng thông minh nhằm mục đích cải thiện các ưu đãi và giảm phí giao dịch kể từ hồi tháng 4 năm nay. Ngoài ra, trong phiên bản cải tiến này, số lượng token CAKE của hệ thống sẽ được cập nhật sau mỗi lần người dùng tiến hành Swap.
Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng sàn PancakeSwap
Trader Joe
Trader Joe là một AMM và là sàn giao dịch phi tập trung được vận hành trên mạng lưới blockchain Avalanche. Sàn DEX này được xem như là một bản fork của Uniswap trên Ethereum và là đối thủ của Pangolin (một AMM khác trên Avalanche).
Với sứ mệnh trở thành nền tảng tổng hợp và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, Trader Joe đã tích hợp thêm một số tính năng nổi bật như Yield Farming, Lending, Staking,...
Ngoài ra, dự án sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái và giải quyết các vấn đề về DeFi bao gồm hiệu quả sử dụng vốn, sổ lệnh trên chuỗi, lệnh giới hạn và các công cụ phái sinh.
Biswap
Biswap là một nền tảng giao dịch phi tập trung, cho phép người dùng trao đổi token BEP-20 trên mạng Binance Smart Chain với mức phí thấp nhất thị trường tiền điện tử cho đến hiện tại, chỉ với 0.1%. Biswap được ra mắt với mục tiêu trở thành chuẩn mực cho các DEX và là DEX hàng đầu trong không gian crypto.
Ngoài ra, nền tảng này hứa hẹn sẽ mang lại giá trị đích thực, sự công bằng và cải tiến cho nền tài chính phi tập trung thông qua các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Biswap cho phép người dùng kiếm được lợi nhuận thông qua việc staking token vào các Liquidity pool, farming hay tham gia các Launch Pool….
Một số câu hỏi thường gặp về DEX
Người mới nên sử dụng sàn DEX hay sàn CEX?
Nếu bạn là một newbie mới tham gia vào thị trường crypto, tốt nhất là hãy bắt đầu sử dụng các sàn Cex trước. Đó là bởi giao diện của các sàn Cex khá thân thiện với người dùng, dễ hiểu và cho phép giao dịch cả tiền fiat nên sẽ thuận tiện cho việc bắt đầu làm quen với cách mua bán tài sản kỹ thuật số cơ bản nhất.
Sau khi đã thành thạo với sàn CEX, lúc này bạn có thể tìm hiểu và sử dụng thêm các sàn DEX để khám phá các tính năng mới của các sàn phi tập trung so với CEX.
Sàn DEX có tích hợp với các ví cứng hay không?
Đến thời điểm hiện tại thì một số sàn giao dịch phi tập trung đã cung cấp tính năng tích hợp với ví cứng của người dùng, cụ thể như Ledger Nano S hay Trezor. Người dùng có thể gửi tài sản trực tiếp từ ví cứng của mình lên sàn DEX thông qua các hợp đồng thông minh. Điều này góp phần giúp tăng cường tính bảo mật cho các giao dịch diễn ra trên nền tảng.
Sàn DEX có dễ bị hacker tấn công hay không?
So với các sàn giao dịch tập trung - “miếng mồi ngon” của vô số các hacker thì sàn DEX có tính bảo mật cao hơn rất nhiều bởi hoạt động dựa trên cuốn sổ cái phân tán blockchain và không phụ thuộc vào bất cứ bên trung gian nào. Ngoài ra sàn DEX còn được vận hành với các smart contract cùng hệ thống khóa bảo mật phức tạp nên việc hacker tấn công sàn không phải là điều dễ dàng.
Tuy nhiên, với trình độ hack ngày càng cao siêu của những kẻ tấn công thì việc đảm bảo an toàn của sàn DEX vẫn không thể khẳng định chắc chắn 100%. Người dùng nên thận trọng khi thực hiện các giao dịch và lưu kỹ private key ví của mình để tránh gặp phải những rủi ro dẫn đến mất tiền.
Xem thêm: Top 5 sàn giao dịch tiền điện tử phổ biến tại Việt Nam
Tổng kết
Sàn giao dịch phi tập trung ngày càng nổi lên trong những năm gần đây với những cải tiến về mạng lưới cũng như tính bảo mật, an toàn nhằm mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Mặc dù vẫn còn khá “non trẻ” so với các sàn CEX đã ra đời lâu trước đó, nhưng DEX vẫn hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển và cạnh tranh với các sàn tập trung trong bối cảnh không gian DeFi có xu hướng bùng nổ mạnh mẽ. Hy vọng trong tương lai các sàn DEX sẽ dần khắc phục được một số hạn chế, cung cấp thêm nhiều tính năng mới và thu hút được lượng người dùng đông đảo hơn.