Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Venture Capital là gì? Top 9 VC lớn nhất thị trường crypto

Venture Capital là gì? Venture Capital hoạt động như thế nào? Đâu là các VC lớn nhất thị trường crypto hiện nay? Tìm hiểu về quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) tại đây.
Sammie
Published Apr 13 2022
Updated Jul 20 2022
15 min read
thumbnail

Các công ty khởi nghiệp (startup) thường hay gặp phải tình trạng kẹt vốn và luôn cần tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài để xây dựng và phát triển sản phẩm, duy trì hoạt động, cải tiến công nghệ,.... Và các Venture Capital sinh ra là để giải quyết nhu cầu đó. 

Vậy Venture Capital là gì? Cách thức hoạt động của Venture Capital như thế nào? Cùng tìm hiểu tất cả những gì bạn cần biết về quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) trong bài viết dưới đây nhé.

Venture Capital là gì?

Venture Capital (hay VC) là những quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên cung cấp vốn, đôi khi là vốn đầu tư và sự hỗ trợ chuyên môn cho các dự án khởi nghiệp hoặc các dự án nhỏ muốn mở rộng quy mô nhưng không có đủ tiềm lực về tài chính. 

Mục tiêu của việc đầu tư này là để đổi lại một phần cổ phần trong dự án hoặc giành được quyền mua token sớm với định giá thấp và kỳ vọng nó sẽ tăng giá trong tương lai.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm thường được hình thành dưới dạng quan hệ đối tác hạn chế (LP), nơi các đối tác tư nhân đầu tư vào VC. Các cá nhân giàu có, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, quỹ doanh nghiệp,... có thể gộp tiền lại với nhau thành một quỹ do một công ty VC kiểm soát. Tất cả các đối tác đều có quyền sở hữu một phần đối với quỹ, nhưng bản thân công ty VC mới là người kiểm soát nơi quỹ được đầu tư.

Top các quỹ đầu tư mạo hiểm trong thị trường crypto

Các nhà đầu tư mạo hiểm thường tìm kiếm các dự án có đội ngũ quản lý mạnh, thị trường tiềm năng rộng lớn và sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo với lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Họ cũng tìm kiếm cơ hội trong những ngành mà họ quen thuộc và cơ hội sở hữu một tỷ lệ lớn trong dự án để họ có thể tác động đến hướng đi cũng như sự phát triển của nó.

Lịch sử đầu tư mạo hiểm

Venture Capital đầu tiên xuất hiện là ở Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ XX. Georges Doriot, một người Pháp chuyển đến Hoa Kỳ để lấy bằng kinh doanh, trở thành giảng viên tại trường kinh doanh của Harvard và làm việc tại một ngân hàng đầu tư. Ông tiếp tục thành lập công ty mà sau này trở thành công ty đầu tư mạo hiểm được giao dịch công khai đầu tiên - American Research and Development Corporation (ARDC) vào năm 1946.

ARDC gây được tiếng vang ở chỗ lần đầu tiên có một công ty khởi nghiệp có thể huy động tiền từ các nguồn tư nhân, không phải là các gia đình giàu có. Trước đây, các công ty mới tìm đến những gia đình giàu có như Rockefellers hoặc Vanderbilts để có vốn mà họ cần để phát triển. ARDC đã sớm có hàng triệu người trong tài khoản từ các tổ chức giáo dục và công ty bảo hiểm. Các công ty như Morgan Holland Ventures và Greylock Partners cũng được thành lập bởi ARDC.

Công ty đầu tư mạo hiểm được giao dịch công khai đầu tiên - ARDC

Về bản chất, đầu tư mạo hiểm chính là đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng cũng có mức độ rủi ro đủ lớn nên thường khiến các ngân hàng - vốn ưa an toàn hơn, e ngại. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi Fairchild Semiconductor (FCS), một trong những công ty bán dẫn đầu tiên và thành công nhất, là công ty khởi nghiệp đầu tiên được quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ, tạo ra một khuôn mẫu cho mối quan hệ chặt chẽ của đầu tư mạo hiểm với các công nghệ mới nổi ở Vùng Vịnh San Francisco.

Các công ty cổ phần tư nhân trong khu vực và thời điểm đó cũng đặt ra các tiêu chuẩn thông lệ được sử dụng ngày nay, thiết lập các quan hệ đối tác hạn chế để nắm giữ các khoản đầu tư trong đó các chuyên gia sẽ đóng vai trò là đối tác chung và những công ty cung cấp vốn sẽ đóng vai trò là đối tác thụ động với sự kiểm soát hạn chế hơn. Số lượng các công ty đầu tư mạo hiểm độc lập tăng lên trong thập kỷ tiếp theo, dẫn đến việc thành lập Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Quốc gia vào năm 1973.

Đầu tư mạo hiểm kể từ đó đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành công nghiệp hàng trăm tỷ đô la, với tổng số khoản đầu tư kỷ lục $330 tỷ trên toàn thế giới vào năm 2021.

Các giai đoạn cấp vốn của các Venture Capital 

Nhìn chung, mục tiêu chính của các VC là tìm cách gia tăng lợi nhuận cho khoản đầu tư của họ bằng cách đầu tư sớm vào một dự án. Trước khi đầu tư vào dự án đó, họ cần xem xét các dự án khác nhau bằng cách đánh giá tiềm năng tăng trưởng và lợi tức đầu tư tiềm năng. Các quỹ VC dàn trải các khoản đầu tư của họ để giảm thiểu rủi ro giảm giá và biến động tiềm ẩn.

Nguồn vốn VC tiêu chuẩn thường được đầu tư trong năm giai đoạn:

  • Pre-seed Round: Dự án đang ở giai đoạn rất sớm (thường mới chỉ là một ý tưởng) và các khoản đầu tư thường đến từ gia đình, bạn bè,...
  • Seed Round: Sản phẩm đang kiểm tra khả năng tồn tại của nó, bao gồm phân tích tiềm năng thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh và phát triển một sản phẩm khả thi tối thiểu. Ở giai đoạn này, whitepaper, dòng tiền, roadmap và các tài liệu khác được sử dụng để thu hút và tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng.
  • Series A: Sản phẩm được xác nhận, đang phát triển và được hỗ trợ bởi một cộng đồng lớn mạnh. Đầu tư ở giai đoạn này ít rủi ro hơn cho các nhà đầu tư, nhưng thường tốn kém hơn và tập trung nhiều vào tiếp thị, quảng cáo.
  • Series B: Sản phẩm lúc này đã có lượng người dùng lớn và dự án đang ngày càng mở rộng. Huy động vốn đầu tư ở thời điểm này chủ yếu là để tiếp thị, bán hàng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh doanh và dịch vụ khách hàng,...
  • Series C: Tập trung vào việc đa dạng hóa các dòng sản phẩm và tiếp cận thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc tài trợ cho các dự án tiền điện tử hơi khác một chút, thường chỉ gói gọn trong 3 vòng, bao gồm:

  • Seed Sale: Giai đoạn này cũng tương tự như Seed Round trong VC truyền thống, khi sản phẩm mới chỉ là ý tưởng trên giấy tờ.
  • Private Sale: Thường ở giai đoạn này, dự án đã có whitepaper, roadmap, phác thảo về sản phẩm,... Private Sale thường được tổ chức kín cho một số khách mời đặc biệt. Sau private sale, nếu dự án muốn huy động vốn thêm có thể sẽ có các vòng Series A, B, C.
  • Public Sale: Đây là giai đoạn huy động vốn khi mọi thứ đã hoàn thiện và dự án sẵn sàng giới thiệu bản thân tới các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như người dùng.

Nguyên nhân là bởi đa số các dự án crypto thường chỉ tồn tại một thời gian khá ngắn, công nghệ phức tạp đòi hỏi nhiều công sức và thời gian, đội ngũ phát triển không có động lực duy trì dự án,... Vậy nên dự án có khi sẽ không tồn tại quá lâu để mà gọi vốn nhiều lần như thị trường truyền thống.

Do vậy, đa phần các dự án tiền điện tử sẽ huy động vốn VC ở các vòng Seed Sale (Genopets, DareNFT,...), Private Sale (Solana, Avalanche,...). Các dự án có thể tồn tại và phát triển qua giai đoạn này sẽ tiếp tục có khả năng gọi vốn ở các vòng Series A (Praxis, Rarify) và Series B (Dune Analytics, Palm NFT Studio). Chỉ một số ít các công ty thực sự tiềm lực và phát triển mạnh mẽ như FTX là có khả năng huy động vốn ở vòng Series C. 

Đầu tư mạo hiểm có rủi ro như thế nào?

Các VC sẵn sàng mạo hiểm đầu tư vào các dự án như vậy vì họ có thể kiếm được lợi nhuận lớn từ khoản đầu tư của mình nếu các dự án này thành công.

Tuy nhiên, các VC cũng có tỷ lệ thất bại khá cao do sự không chắc chắn liên quan đến thành công các dự án mới. Điều đó có nghĩa là các quỹ VC có thể mất tất cả số tiền mà họ đã đầu tư vào đó. Một nguyên tắc chung là cứ 10 lần khởi nghiệp thì có ba hoặc bốn lần thất bại.

Bên cạnh đó, vì thường đầu tư vào các dự án từ rất sớm, thậm chí khi dự án mới chỉ là ý tưởng, mới có whitepaper chứ chưa có sản phẩm thực tế nên các quỹ VC cũng có thể gặp phải scam. Scam ở đây không phải chỉ là dự án lừa đảo, ôm hết tiền của nhà đầu tư rồi bỏ trốn, mà còn là việc dự án không thực hiện đúng với các cam kết và lộ trình đã vạch ra khi gọi vốn. 

Ví dụ: Khi gọi vốn, dự án cam kết sau 6 tháng sẽ có sản phẩm, 3 tháng tiếp theo đạt mốc người dùng nhất định. Sau khi gọi vốn thành công thì dự án lại làm việc chậm chạp, không có tiến triển gì đáng kể trong một khoảng thời gian dài khiến các VC bị chôn vốn.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn thị trường crypto

Một số quỹ đầu tư đã nổi lên như những quỹ VC tiền điện tử hàng đầu trong vài năm qua.

Three Arrow Capital

Quỹ đầu tư Three Arrow Capital

Được thành lập vào năm 2012 bởi Su Zhu và Kyle Davies, Three Arrows Capital được coi là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà tạo lập thị trường (market maker) hàng đầu trong không gian crypto. 

Three Arrow Capital nắm giữ cổ phần của một số blockchain lớn như Ethereum, Avalanche, Bitcoin, Polkadot, Terra, Solana và nhiều blockchain khác. Họ cũng có các khoản đầu tư vào một số dự án DeFiGameFi như Axie Infinity, Aave và vô số dự án khác.

Three Arrow Capital Portfolio. Nguồn: MarginATM

Three Arrow Capital cũng đầu tư vào các dự án blockchain dựa trên vốn chủ sở hữu. Ví dụ: Quỹ có cổ phần trong BlockFi, Deribit và Starkware.

a16z - Andreessen Horowitz

Được thành lập vào năm 2009 bởi Marc Andreessen và Ben Horowitz, Andreessen Horowitz (thường được gọi là "a16z") là một công ty VC tiền điện tử có trụ sở tại Menlo Park, California.

Andreessen Horowitz Portfolio. Nguồn: Coin98 Insights

Giống như Three Arrow Capital, a16z có cổ phần trong nhiều dự án tiền điện tử hàng đầu như Coinbase, Celo, MakerDAO và nhiều dự án khác.

Vào tháng 6/2021, công ty đã huy động được quỹ trị giá $2,2 tỷ để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tập trung vào blockchain.

Alameda Research

Alameda Research - Quỹ đầu tư gắn liền với tên tuổi CEO FTX

Alameda Research là một quỹ đầu tư tiền điện tử được thành lập bởi người sáng lập sàn FTX - Sam Bankman-Fried và hiện do Sam Trabucco đứng đầu.

Danh mục đầu tư của quỹ Alameda Research

Alameda Research cũng có cổ phần trong hầu hết các blockchain và các dự án blockchain quan trọng, bao gồm Bitcoin, Ethereum, Binance, Solana, Uniswap và vô số dự án khác.

Coinbase Ventures

Coinbase Venture luôn nằm trong top tham gia huy động vốn khủng của thị trường.

Coinbase Ventures là nhánh đầu tư của Coinbase, một sàn giao dịch tiền điện tử nổi tiếng. Trong khi một số quỹ VC khác có đầu tư vào Coinbase, thì bản thân Coinbase Ventures cũng là nhà đầu tư vào các dự án như BlockFi, Compound, Starkware và nhiều dự án khác. Bạn có thể xem thêm tổng quan chi tiết về quỹ Coinbase Ventures và danh mục đầu tư của họ tại đây.

Binance Labs

Binance Labs thuộc Binance - một sàn giao dịch nổi tiếng khác. Binance Labs tận dụng Binance DEX để đầu tư vào các dự án tiền điện tử mới và danh mục đầu tư của họ bao gồm Terra, Moonbeam và Coin98 cùng nhiều dự án khác.

Dự án được Binance Labs đầu tư luôn có mức tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Paradigm 

Paradigm là một quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các công ty tiền điện tử với cổ phần từ $1 triệu đến $100 triệu. Họ tuân theo cách tiếp cận "linh hoạt, dài hạn, nhiều giai đoạn và toàn cầu" để đầu tư tiền điện tử, giúp các dự án giải đáp thắc mắc về kỹ thuật và hoạt động. Danh mục đầu tư của Paradigm bao gồm Argent, Optimism, Opensea,...

Xem thêm: Cẩm nang chi tiết về Quỹ đầu tư Paradigm.

Multicoin

Multicoin là một "công ty chuyên đầu tư vào tiền điện tử, token và các công ty blockchain." Họ là một quỹ gốc tiền điện tử tham gia vào việc đặt cược, thanh lý và các hoạt động tiền điện tử khác. Danh mục đầu tư của họ bao gồm Audius, Arweave, Near Protocol,...

Multicoin Capital

Pantera

Pantera tự nhận bản thân là "nhà quản lý tài sản đầu tiên của Hoa Kỳ tập trung hoàn toàn vào blockchain." Kể từ năm 2013 đến nay, Pantera đã đầu tư vào các cơ sở hạ tầng blockchain thiết yếu như sàn giao dịch, người giám sát, công cụ giao dịch tổ chức, tài chính phi tập trung và hơn thế nữa. Danh mục đầu tư của họ bao gồm Coinbase, FTX, Polkadot,...

Polychain

Polychain là một VC tập trung vào các tài sản kỹ thuật số dựa trên blockchain. Các khoản đầu tư đáng chú ý nhất của họ là vào Acala, Celo và dYdX. Thông qua nhiều thương vụ đầu tư khác nhau, Polychain Capital có mối quan hệ mật thiết với nhiều quỹ lớn trong thị trường crypto như a16z, 3AC, Coinbase,... và nhiều quỹ khác.

Để tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư trong các VC, bạn hãy tham khảo thêm: Cách research dự án theo portfolio Quỹ đầu tư.

Kết luận

Theo thống kê, trong năm 2021 vừa qua, hơn $25 tỷ đã được rót vào các công ty khởi nghiệp blockchain và tiền điện tử bởi các Venture Capital, tăng 713% so với $3,1 tỷ vào năm 2020. Tất cả các lĩnh vực trong ngành công nghiệp tiền điện tử cũng chứng kiến ​​sự tăng trưởng mạnh mẽ, với nguồn vốn từ VC cho các công ty NFT bùng nổ lên $4,8 tỷ từ chỉ $37 triệu vào năm 2020. Tổng cộng, thị phần đầu tư mạo hiểm của toàn bộ thị trường đã tăng từ 1% lên 4%.

Năm 2022 được dự đoán là một năm khó khăn hơn đối với các công ty đầu tư mạo hiểm tiền điện tử. Nhưng với sự quan tâm ngày càng lớn của người dùng, nguồn vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy vào ngành công nghiệp đang phát triển này trong những năm tới. Là một nhà đầu tư, việc hiểu về những người chơi chính trong thị trường tiền điện tử VC có thể tạo ra sự khác biệt trong danh mục đầu tư của bạn.

RELEVANT SERIES